Kinh tế xã hội Đại Lộc

Trước đây Đại Lộc là huyện thuần nông, nay đã xuất hiện một số cụm công nghiệp nhỏ và vừa tại các vùng địa hình cao (không bị ngập lụt), chủ yếu là các nhà máy xay xát đá, vật liệu phục vụ nhu cầu xây dựng, hay các xí nghiệp may mặc, cơ khí, chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu, công nghiệp nhẹ... Vì nơi đây có nguồn lao động phổ thông dồi dào, giá thành rẻ và cầu thị. Mục tiêu đề ra đến năm 2015 trở thành huyện công nghiệp.

Người dân Đại Lộc đa phần sinh sống bằng các nghề trồng lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày, cây hoa màu, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, đan lát, làm nhang, thợ hồ, chế tác đá, đi rừng, tìm trầm, kỳ nam, khai thác dầu rái, buôn bán trao đổi. Nổi tiếng nhất huyện là thôn Bàu Tròn - xã Đại An, nơi đây là vùng chuyên sản xuất các loại rau như các loại rau cải, đậu tây, đậu đũa (đậu que), bí đao, khổ qua, dưa leo (dưa chuột), đu đủ, dưa hấu, bí đỏ, ớt... Cung ứng cho nhân dân trong vùng và TP.Đà Nẵng. Thôn Bàu Tròn là địa phận giáp ranh giữa xã Đại An và xã Đại Cường(ngăn cách bởi chiếc cầu Quảng Huế bắc qua sông Thu Bồn thơ mộng). Món ăn đặc thù là Mỳ Quảng, Bánh tráng cuốn thịt heo luộc, hoặc Bánh tráng cuốn cá nục trụng, bê thui...

Đại Lộc ngày nay có nền kinh tế đang trên đà phát triển, người dân thuần nông cây lúa ngày nào đã chuyển đổi con giống, cây trồng làm nền tảng để phát triển kinh tế, bên cạnh của việc chuyển đổi này là việc áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật. Thông tin gì mới, đều góp cho chính quyền và nhân dân Đại Lộc áp dụng sản xuất có năng suất cao hơn trước.

Cụ thể như một số thôn của xã Đại An làm cây rau, Đại Hòa làm cây chuối (chuối già hương), mô hình vườn ao chuồng. Cây chuối phát triển thì các con vật nuôi cũng phát triển, hiện nay thôn Lộc Bình là thôn có số hộ chuyên canh cây chuối 100%.

Đại Lộc hiện còn tiềm ẩn một nghề tay trái của các lão nông nhàn rỗi, đó là nghề trồng hoa và cây cảnh, nguồn cây mai (nổi tiếng trong và ngoài nước), ở Đại Hoà, Ái Nghĩa có nhiều cây thế trồng lâu năm.

Đại Lộc có làng nghề làm trống Lâm Yên từng rất nổi tiếng (tại thôn Ấp Nam, xã Đại Minh) sản phẩm trống của làng đã có mặt nhiều nơi trên cả nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì nghề trống đã mai một và sắp biến mất do bế tắc không có lối thoát.